TÍNH Ý HƯỚNG TRONG TÂM LÝ HỌC (F. BRENTANO, 1874)
Đưa lên mạng ngày 24-02-2020 
Từ khóa: Ý hướng tính – Tâm lý học ; Sự kiện (Tâm lý học);
Brentano, Franz – Trích đoạn 

C2

TÍNH Ý HƯỚNG :
ĐẶC TRƯNG CỦA SỰ KIỆN TÂM LÝ
(1874)

Tác giả: Franz Brentano[1]
Bản tiếng Pháp: Maurice de Gandillac 
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[…] Chúng ta có thể đề xuất đặc trưng tích cực nào để định nghĩa hiện tượng tâm lý? Hoặc giả không có một định nghĩa tích cực  nào thích hợp cho tất cả các hiện tượng tâm lý chăng? A[lexander] Bain[2] nghĩ rằng đấy là trường hợp thực tế. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học thời cổ đại vẫn luôn luôn ghi nhận sự tồn tại của một quan hệ họ hàng, và một sự tương tự đặc thù ở mọi hiện tượng tâm lý, trong khi họ không hề thấy chúng ở các hiện tượng vật lý.

Đặc trưng của bất kỳ hiện tượng tâm lý nào chính là sự kiện mà các nhà Kinh Viện thời Trung cổ từng gọi là intentio (sự hiện diện[3] bên trong hoặc tinh thần[4]) và chúng ta có thể gọi – bằng một số diễn đạt không loại bỏ được mọi mơ hồ ngôn từ – là liên quan tới một nội dung, định hướng về một đối tượng (không bắt buộc phải được hiểu là một vật thể hiện thực) hoặc khách quan nội tại. Mỗi hiện tượng tâm lý đều chứa trong nó, và theo cách riêng của nó, một thứ gì đó như một vật thể. Trong sự biểu hiện, đấy là đối tượng được biểu hiện; trong hành động phán đoán, một cái gì đó được thừa nhận hoặc khước từ; trong tình yêu, một cái gì đó được yêu thương; trong thù hận, một cái gì đó bị thù ghét; trong mong muốn, một cái gì đó được mong muốn, v. v… [5].

Sự hiện diện có ý hướng này chỉ thuộc về hiện tượng tâm lý mà thôi. Không một hiện tượng vật lý nào cho ta thấy một cái gì đó giống như vậy. Vì thế, chúng ta có thể định nghĩa hiện tượng tâm lý bằng cách nói rằng đấy là loại hiện tượng chứa đựng trong nó định hướng về một đối tượng (Gegenstand).   

Franz Brentano, 
Tâm Lý Học Từ Quan Điểm Thực Nghiệm
(Psychologie vom empirischen Standpunkt, 1874 =
Psychologie du point de vue empirique,
Trad. Fr. de Maurice de Gandillac,
Paris, Aubier Montaigne, 1944, tr. 101-102)


[1] Franz Clemens Honoratus Hermann Brentano (1838-1917): triết gia, tu sĩ, nhà tâm lý học người Đức, có ảnh hưởng rất lớn vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thông qua không chỉ phần trước tác của ông, mà còn qua tên họ và sự nghiệp của nhiều tác giả lớn từng là môn đồ của ông (Sigmund Freud, Kazimierz Twardowski, Alexius Meinong, Carl Stumpf, Anton Marty, Christian von Ehrenfels, Tomáš Masaryk và học trò là Edmund Husserl). Tác phẩm tiêu biểu: Die Psychologie des Aristoteles (1867), Psychologie vom empirischen Standpunkt (1874), Vom Ursprung sittlicher Erkenntnis (1889), Untersuchungen zur Sinnespsychologie (1907), Aristoteles und seine Weltanschauung (1911), Von der Klassifikation der psychischen Phänomene (1911). NVK

[2] Alexander Bain (1818-1903): nhà tâm lý học, lô-gic học và triết gia người Scotland. Tác phẩm tâm lý: The Senses and the Intellect (1855), The Emotions and the Will (1859), On the Study of Character...(1861). Về ý kiến trên, xem phần Dẫn nhập của quyển The Senses and the Intellect. NVK.

[3] Chúng tôi dịch theo quy ước, và tất nhiên không thể hoàn hảo, Inexistenz (tồn tại bên trong) là sự hiện diện trong. [Về từ này, cần cảnh giác với tiền tố in- trong tiếng La-tinh, bởi nó có thể vừa là yếu tố định vị như ở đây (Inexistenz, inhabitation = exister dans, habiter dans = tồn tại trong, ở trong), vừa là yếu tố phủ định (preuve inexistante, maison inhabitée = chứng cớ không tồn tại, nhà không có người ở). NVK]. Dựa vào ngữ cảnh, chúng ta có thể thấy đấy chính là ý niệm mà các nhà Kinh Viện gọi là intentio [ghi chú của tác giả hoặc dịch giả Pháp, NVK].

[4] Ở đây, các nhà Kinh Viện sử dụng biểu thức «tồn tại với danh nghĩa khách quan trong một cái gì đó (exister à titre objectif dans quelque chose)» Ngày nay, nếu chúng ta cũng sử dụng cùng một biểu thức này, thì đấy sẽ là chỉ định một sự tồn tại hiện thực bên ngoài tâm trí, do đó chúng ta thường dùng biểu thức «tồn tại với danh nghĩa đối tượng nội tại (exister à titre d'objet immanent)» để diễn tả ý tưởng của họ hơn, tuy thuật từ nội tại vẫn có thể gây hiểu lầm.

[5] Aristotelês đã từng nói về sự ở trong tâm lý (inhabitation psychique) này. Trong chuyên luận Về Linh Hồn (Peri Psychês = Of Soul = De l'âme), ông nói rằng đối tượng của cảm nhận, trong tư cách cảm giác, tồn tại trong chủ thể cảm nhận; nghĩa là tinh thần chứa đựng đối tượng được cảm nhận một cách phi vật chất, rằng đối tượng của tư duy nằm trong trí tuệ đang tư duy. Ở Philôn xứ Alexandreia (20 tCn - 50 sCn) chúng ta cũng tìm thấy học thuyết về sự tồn tại và hiện diện tinh thần trên […]. Ở các triết gia Tân-Platôn cũng tương tự. Trong học thuyết của Thánh Augustinus (354-430) về ngôn ngữ tinh thần (verbum mentis = word of the mind) và nguồn gốc nội tại của nó, Ngài cũng ám chỉ cùng một thực tế. Thánh Anselmus (Anselmo d'Aosta, 1033-1109) cũng đề cập đến nó trong lập luận nổi tiếng của Ngài nhằm chứng minh sự tồn tại của Thượng Đế, và người ta thường lưu ý rằng ngộ biện của Ngài đã bắt nguồn từ việc Ngài xem tồn tại tinh thần như một tồn tại thực sự […]. Thánh Thomas Aquinas (Tommaso d'Aquino, 1225-1274) cũng dạy rằng đối tượng của tư duy, của tình yêu, của mong muốn là sự hiện diện ý hướng của mỗi đối tượng ấy trong chủ thể tư duy, trong chủ thể yêu thương, trong chủ thể mong muốn, và Ngài không ngần ngại sử dụng tất cả những nhận xét này vào mục đích thần học; khi Kinh thánh nói về sự sự hiện diện trong ta của Chúa Thánh Thần, Ngài còn giải thích rằng đấy là sự hiện diện ý hướng trong một động tác yêu thương. […]

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa