PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN (I. PAVLOV, 1923)
Đưa lên mạng ngày 15-04-2020
Từ khóa : Phản xạ có điều kiện
C1

PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN
(khoảng 1923)

Tác giả: Ivan Petrovič Pavlov
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Theo khuynh hướng cải tiến các khoa học con người bằng loại phương pháp thống trị trong các khoa học vật chất, vào cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, tâm lý học cũng đã chuyển mình thành khoa học về hành vi, thông qua một số thí nghiệm nổi tiếng. Hai biểu hiện chính của trường phái tâm lý học thực nghiệm này là phản xạ học (reflexology) của Ivan Pavlov (1849-1936)[1] và Vladimir  Bekhterev (1857-1927)[2], cùng với chủ thuyết hành vi (behaviorism) của John Watson (1878-1958)[3].

Dưới đây là bản dịch một trích đoạn từ Báo Cáo Trước Hội Y Sĩ Nga Tại St Petersburg (khg 1923?) của Pavlov, đăng lại trong Phản Xạ Có Điều Kiện Và Ức Chế (Réflexes conditionnels et inhibitions, 1963).

*

[...] Chúng tôi để con chó trong một căn phòng tối, và tại một thời điểm nhất định, đèn pin đột nhiên được bật sáng; vào cuối nửa phút sau, và suốt nửa phút tiếp theo, chúng tôi cho con chó ăn. Việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Về lâu dài, ánh sáng – vốn vô hiệu với con vật cho đến lúc đó, và không có tác động nào trên các tuyến nước bọt – bỗng trở thành một kích thích đặc biệt đối với các tuyến này, do sự trùng hợp được lặp đi lặp lại với thức ăn;  mỗi lần ánh sáng đèn bật lên, chúng tôi quan sát sự tiết nước bọt. Trong các điều kiện trên, chúng tôi nói ánh sáng ấy đã trở thành một kích thích có điều kiện cho các tuyến nước bọt. Ở đây, tuyến nước bọt chỉ đơn giản là một chỉ dấu của phản ứng của con vật với thế giới bên ngoài. Phản xạ này tăng dần từng chút đến một giới hạn xác định; trong trường hợp của chúng tôi, nó lên tới mười giọt trong nửa phút.

Bây giờ chúng ta hãy liên kết ánh sáng với một âm thanh xác định (khoảng 426 rung động mỗi giây). [...] Cụ thể là một tiếng động được kết nối với sự đột nhiên bật sáng căn phòng. Sự phối hợp này kéo dài cũng nửa phút. Thức ăn không đi kèm với kích thích kép này. Được lặp đi lặp lại ba, bốn, năm lần, sự kích thích giữ một hiệu ứng không đổi, nghĩa là chỉ riêng ánh sáng, hoặc ánh sáng liên kết với tiếng động, luôn luôn cho mười giọt nước bọt, mặc dù không có thức ăn kèm theo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự đặt cho mình câu hỏi sau: mặc dù dường như không có gì thay đổi, liệu dẫu sao vẫn có một biến đổi nào đó trong quy trình chăng? Liệu tiếng động, liên kết với ánh sáng, và không cho thấy một liên quan nào với tuyến nước bọt cho đến lúc đó, vẫn thu nhận được một giá trị nào khác chăng? Và trên thực tế, chúng tôi phát hiện ra rằng, sau bốn hoặc năm lần lặp lại, nó có một tác động kích thích trên các tuyến nước bọt. Tác động này là yếu thôi, và thực sự chỉ làm tiết ra một hay hai giọt nước bọt. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Tiếng động đã trở thành một kích thích như thế nào? Mặc dù không đi kèm với thức ăn, bằng cách nào nó đã trở thành một kích thích?  Kinh nghiệm cho thấy rằng tiếng động, do sự trùng hợp lặp đi lặp lại của nó với ánh sáng, đã tiếp thu được khả năng kích thích từ cùng một quá trình tương tự như của chính ánh sáng qua sự liên kết của nó với thức ăn, vốn là yếu tố quyết định của sự tiết nước bọt. Tác động của tiếng động là tác động của một kích thích có điều kiện mới, và, riêng trong trường hợp này, nó đã trở thành một kích thích thông qua trung gian của một kích thích có điều kiện và không tuyệt đối (kích thích tuyệt đối: thức ăn chẳng hạn), chúng tôi  sẽ gọi nó là kích thích bậc hai, và phản xạ là phản xạ bậc hai.

[...]

Đối với tôi, trong các công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học, ông ta hiện ra như một người đi trong bóng tối, tay cầm chiếc đèn lồng nhỏ chỉ đủ chiếu sáng vài khu vực rất hạn chế. Các bạn đều hiểu rằng thật khó mà khảo sát toàn bộ khu vực với một chiếc đèn lồng nhỏ như vậy. Bạn nào từng ở vào trường hợp trên đều nhớ rằng cái ý tưởng về khu vực chúng ta không biết mà chiếc đèn lồng này cho thấy chẳng tương ứng chút nào với các biểu hiện mà sự sáng tỏ của mặt trời cung cấp. Về mặt này, chúng tôi làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn nhiều. Qua tất cả những gì đã nói ở phần trước, ta phải hiểu rằng cơ hội thành công của loại nghiên cứu khách quan khác với nghiên cứu tâm lý học truyền thống tới mức nào. Những công trình nghiên cứu của chúng tôi hiện vẫn đang tiếp tục ở một số ít phòng thí nghiệm, và có thể nói rằng chúng chỉ mới bắt đầu thôi; tuy nhiên, chúng tôi đã thu được một lượng phân tích thực nghiệm quan trọng, thâm nhập sâu vào lĩnh vực, và phơi bày đặc trưng là sự chính xác tuyệt vời ở mọi mức độ. Còn các định luật về hiện tượng tâm lý, phải thú nhận rằng không ai biết phải tìm chúng ở đâu. Dù rằng nhân loại đã nghiên cứu những sự kiện của đời sống tâm lý, của linh hồn con người suốt từ bao nghìn năm rồi! Và không chỉ các nhà tâm lý học chuyên ngành mới quan tâm tới vấn đề này, mà ngay cả toàn thể nghệ thuật, tất cả văn học, vốn là cách biểu đạt những cơ cấu của đời sống tâm lý của nhân loại. Sự biểu hiện thế giới nội tâm của con người đã lấp đầy hàng nghìn trang giấy, thế nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn không thu được một kết quả nào, một định luật chi phối đời sống tâm lý con người nào từ những nỗ lực này. «Tất cả là bóng tối trong tâm hồn đồng loại», như trong câu tục ngữ. Và nó vẫn còn đúng cho đến nay. Ngược lại, những nghiên cứu khách quan của chúng tôi về các hiện tượng thần kinh phức tạp ở loài  động vật cao cấp đã mang lại hy vọng vững chắc, rằng các nhà sinh lý học sẽ sớm khám phá ra những định luật cơ bản, mà sự phức tạp đáng sợ của thế giới bên trong này như nó vẫn hiện ra trước mắt chúng ta hiện nay, còn che giấu. Đấy là tất cả những  gì chúng tôi cần báo cáo ngày hôm nay.

Ivan Pavlov,
Phân Tích Khách Quan Các Hiện Tượng Thần Kinh Phức Tạp
(Analyse objective des phénomènes nerveux complexes).
Trg : Phản Xạ Có Điều Kiện Và Ức Chế
(Réflexes conditionnels et inhibitions,
Genève, Gonthier, 1963,
Ch. 7, tr. 118-120 và 131)


[1] Ivan Petrovič Pavlov (1849-1936): nhà sinh lý, tâm lý học và y sĩ người Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Petersbourg. Các tuyển tập đã được dịch sang tiếng Pháp: Leçons sur le travail des grands hémisphères cérébraux (1922), Vingt ans d’expérience dans le domaine de l’activité nerveuse supérieure (?), Réflexes conditionnels et inhibitions (1963).

[2] Vladimir Mihajlovič Bekhterev (1857-1927): nhà thần kinh học Nga. Tác  phẩm quan trọng nhất (phần lớn là các bài báo): Suggestion and its Role in Social Life (1899), Consciousness and its Borders (1888), Psyche and Life (1902), Objective Psychology (1907), Subject Matter and Tasks of Social Psychology as an Objective Science (1911), Collective Reflexology (1921), General Principles of Human Reflexology (1926).

[3] John Broadus Watson (1878-1958): nhà tâm lý học người Mỹ, cha đẻ của chủ thuyết hành vi trong tâm lý học. Tác phẩm: các bài báo tiêu biểu: Animal Education (1903), Psychology as the Behaviorist Views It (1913), Conditioned emotional reactions (với Rosalie Rayner Watson, 1920); sách: Behaviorism (1925).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa