CHƯƠNG TRÌNH CỦA CHỦ THUYẾT HÀNH VI (A. TILQUIN, 1942)
Đưa lên mạng ngày 15-04-2020
Từ khóa: Hành vi (Chủ thuyết) – Tâm lý học
C1

CHƯƠNG TRÌNH
CỦA
TÂM LÝ HỌC HÀNH VI
(1942)

Tác giả: André Tilquin
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Tâm lý học con người, như chủ thuyết hành vi quan niệm, phải được xây dựng dựa trên sự bắt chước tâm lý học động vật, khách quan và thực nghiệm. Nghĩa là nó phải vay mượn từ bộ môn sau cả đối tượng và phương pháp lẫn mục đích của nó, sao cho không còn tình trạng có hai thứ tâm lý học, một về con người và một về động vật, phân cách bởi một vách ngăn kín mít, với các đối tượng, phương pháp, và mục đích hoàn toàn khác biệt và không biết tới nhau nữa, mà sẽ chỉ có một khoa tâm lý học duy nhất, đứng cùng hàng ngũ với các khoa học tự nhiên.

Một khoa tâm lý học hiểu như vậy sẽ không còn nhằm vào việc nghiên cứu linh hồn, ý thức, tinh thần… nữa, mà tập trung trên hành vi, nghĩa là trên tập hợp các phản ứng thích nghi có thể quan sát một cách khách quan được mà sinh vật, nhìn chung như một toàn thể, đã thực hiện nhằm đáp ứng những kích thích, cũng hoàn toàn có thể quan sát một cách khách quan được, xuất phát từ môi trường vật chất hoặc xã hội trong đó sinh vật này sống. Phương pháp của tâm lý học sẽ không còn là trò nội quan hay các hình thức ngầm của nó nữa, mà là sự quan sát thông thường, với mục đích không phải là sự mô tả và phân tích ý thức một cách vô bổ nữa, mà là sự hình thành các định luật về hành vi, có khả năng cho phép ta dự đoán, và qua đó xây dựng cơ sở cho một hành động hiệu quả của con người trên chính bản chất người. Lúc đó, tâm lý học về con người mới là một khoa học không thể chối cãi, một khoa học cụ thể, bởi vì nó khởi đi từ cuộc sống hàng ngày, một khoa học hữu ích và phong phú, bởi vì nó tham gia vào cuộc sống này và có năng lực lèo lái con người.

Watson* tin chắc rằng chúng ta có thể định nghĩa tâm lý học con người như «khoa học về hành vi [hay hành vi học]», rằng chúng ta có thể xây dựng một khoa tâm lý học tuân thủ nghiêm ngặt định nghĩa này, không bao giờ sử dụng các khái niệm đã bị lên án như ý thức, nội dung của ý thức, tinh thần, trạng thái tinh thần, cảm giác, hình ảnh, v. v… nữa.  Và định nghĩa hành vi của ông cho ta thấy rằng: chính môn tâm lý học động vật, với những quan tâm sinh học của nó, đã dẫn ông tới quan niệm này. Theo ông, một môn tâm lý con người có khả năng làm hài lòng các nhà khoa học phải khởi đi từ «sự kiện quan sát được là, mọi sinh vật – con người hay con vật – đều thích nghi vào môi trường bằng các phương tiện điều chỉnh bẩm sinh hoặc học tập được, dù những điều chỉnh này là hoàn hảo hoặc trái lại khiếm khuyết đến nỗi sinh vật đó phải cố gắng lắm mới vừa đủ để duy trì được sự tồn tại của chúng». Chính khả năng thích nghi của hành động này, ở cả con người lẫn động vật, đã hiện ra trong mắt Watson như sự kiện đặc trưng cơ bản. Ông đã nhiều lần trở lại ý tưởng này: đây là chủ đề của lời nói đầu trong Tâm Lý Học Từ Quan Điểm Của Một Nhà Tâm Lý Hành Vi (Psychology from the Standpoint of a Behaviorist)[1]; và trong Chủ Thuyết Hành Vi (Behaviorism), ông giao cho tâm lý học, như một khoa học tự nhiên, cái nhiệm vụ «nghiên cứu toàn bộ những hoạt động thích nghi của con người». Như vậy, quan niệm của Watson rõ ràng đã lấy  cảm hứng từ sinh học, bởi vì nó đặt dấu nhấn trên sự tương tác giữa sinh vật với môi trường sống của nó.

Loại điều chỉnh này và đây là điểm khởi đầu thứ hai của tâm lý học khoa học theo Watson được kích hoạt bởi những kích thích (stimuli). Chính những kích thích, loại hiện tượng khách quan quan sát được, chứ không phải các trạng thái tinh thần, ý tưởng, ý định, ham muốn, v.v., đã khiến sinh vật thực hiện những phản ứng thích nghi. Do đó, hành vi có thể được định nghĩa là toàn bộ những phản ứng được điều chỉnh theo loại kích thích đã kích hoạt chúng. Và tâm lý học cơ bản là công trình nghiên cứu về cặp [hiện tượng] phản ứng-kích thích. Công thức này, áp dụng vào loại hành vi cao cấp nhất và phức tạp nhất, cũng như vào loại phản ứng thấp kém nhất và đơn giản nhất, là một dạng thức cơ học, bởi vì, một mặt,  quan hệ của kích thích với phản ứng là một tương quan nhân quả, và mặt khác, sự thích nghi được Watson quan niệm như sự trở lại với trạng thái cân bằng đã bị phá hủy hay bị tổn thương bởi kích thích.

André Tilquin,
Le Behaviorisme,
Vrin, Paris, 1942.


[1] Xem bản dịch trên trang mục này, khi có thể tham khảo.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa