BẢN CHẤT TÂM LÝ CỦA DẤU HIỆU NGÔN NGỮ (MAINE DE BIRAN, 1812)
Đưa lên mạng ngày 15-04-2020
Từ khóa: Dấu hiệu (Khái niệm) – Ngôn ngữ học
C1

BẢN CHẤT TÂM LÝ
CỦA
DẤU HIỆU NGÔN NGỮ
(1812)

Tác giả: Maine de Biran[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[...] Chính là thông qua một hành động suy nghĩ đầu tiên mà  chủ thể của nỗ lực[2] tự cảm nhận như chủ thể, khác biệt hay tách biệt với cái từ xa lạ đang cưỡng chống nó. Cũng chính là thông qua một hành động suy nghĩ tương tự, thậm chí còn mật thiết hơn, mà hữu thể vận động phát ra các âm thanh phân biệt nỗ lực thanh âm với những ấn tượng vốn là hiệu ứng của nó. Không có sự phân biệt này, không có loại dấu hiệu tự nguyện. Nhưng ngay khi có sự phân biệt đó, những dấu hiệu này được thiết định. [...]

[...] Việc sử dụng lần đầu tiên dấu hiệu thiết định, về cơ bản, giả thiết rằng sự kiện ý thức là có trước, nghĩa là nhận thức tổng giác của chủ thể làm nỗ lực, như tách biệt với cái từ đang cưỡng chống nó, xảy ra tức thì. Ngay khi sự phân biệt này diễn ra, có một cơ sở cho việc sử dụng dấu hiệu trí tuệ đầu tiên, “” (est), vốn là động từ, cái logos[3] tiêu biểu nhất. Như vậy, động vật không hề nói bởi vì chúng không suy nghĩ, và nói chung, loại sinh vật thuần túy cảm giác không hề có dấu hiệu thiết định nào, bởi vì cái hành động đầu tiên mà chúng ta đang nói tới – tổng giác nội tại – không thuộc về bản chất của chúng, trong ý nghĩa chúng không hề là những tác nhân tinh thần, nguyên nhân tự do của mọi vận động hay hành động; rằng chúng không hề vận động bởi một nguyên lý hoặc một lực siêu-hữu cơ nào, mà chúng bị tác động bởi những ấn tượng cảm quan hoặc biến thiên tỷ lệ thuận với những ấn tượng này, mà không có khả năng thay đổi chúng hoặc vượt lên trên chúng. Chính là bằng cùng một cách mà bản thân chúng ta cũng bị tác động, khi ta chỉ tuân theo bản năng cảm giác, các thói quen hoặc những đam mê lôi cuốn, khi chúng ta ở bên ngoài chính mình, ở bên ngoài trạng thái làm chủ ý thức hoặc nhân thân[4]. Như vậy, ở trạng thái thú vật, không cần phải tách chủ thể khỏi thuộc tính, vì trước hết, không cần phải phân biệt nguyên nhân hoặc động lực với hệ quả tạo ra, tác động của sự di chuyển hoặc của giọng nói với kết quả cảm quan của nó. Khi quay ngược tới điểm này, chúng ta tìm thấy nguyên lý hay nguồn gốc thực sự của ngôn ngữ thiết định: chúng ta còn thấy thêm rằng cả đạo lý lẫn trí tuệ của con người đều được xác định trong cái nguồn chung của chúng.

Ở sinh vật cảm giác, các ấn tượng tình cảm được biểu đạt ra ngoài bằng những vận động hoặc giọng nói xác định, nhưng người ta không thể nói rằng bản thân nó sử dụng các dấu hiệu như vậy để diễn tả những điều nó cảm thấy. Ở đâu không có ý định, không có ý chí, thì không có dấu hiệu đúng nghĩa. Chúng ta có thể gán cho một lời than, một tiếng hét do đau đớn, ý nghĩa của một phát biểu hoàn chỉnh, chẳng hạn như: tôi cảm thấy, tôi xem xét, tôi mong muốn, diễn đạt trong một từ[5] duy nhất; nhưng ở đây, chính chúng ta đã độc đoán tự thiết định dấu hiệu, và tạo ra cho nó một giá trị mà nó không có, và không thể có, như sinh vật cảm giác. Nếu cử động hay tiếng hét không cố ý, kích động cơ học đơn giản, tự chúng đã có trong ý nghĩa cái giá trị được gán cho chúng, thì không còn phải đi tìm nguồn gốc của sự thiết định các dấu hiệu, cũng không cần phải tìm kiếm nguồn gốc của tư tưởng, của bản sắc cá nhân riêng tư… ở đâu nữa. Mọi thứ sẽ là bẩm sinh, và con người sẽ suy nghĩ hoặc nói năng từ trong bụng mẹ.

Đứa bé không thực sự bắt đầu sở hữu dấu hiệu cho đến khi chính nó biến những tiếng khóc lóc hay kêu than của mình thành dấu hiệu của sự vòi vĩnh, hoặc dùng chúng để gọi ai tới với nó. Chỉ lúc đó đứa bé mới có một ý định, và thể hiện nó ra ngoài, bằng những chuyển động hoặc giọng nói mà nó có khả năng dùng, hay tự cảm thấy mình là nguyên do. Chẳng mấy chốc, nó sẽ thấy rằng ý chí này có ảnh hưởng tới những ý chí khác, chúng sẽ tuân theo nó hoặc cạnh tranh với nó: đây là cảm thức đầu tiên về một sức mạnh tinh thần, liên quan tới hoạt động tư tưởng đầu tiên. Cũng chính là từ sự liên kết đầu tiên này, giữa một dấu hiệu tự nguyện với một ý tưởng, mà cá nhân bắt đầu áp đặt tên gọi cho mọi sự vật và sự việc, rồi sau đó xây dựng trên những ý tưởng của riêng bản thân một đế chế mà hắn cũng áp đặt lên những sinh vật khác bên ngoài, bằng giọng nói hoặc hành động của mình.

Maine De Biran
Tiểu Luận Về Nền Tảng Của Khoa Tâm Lý Học
Và Về Quan Hệ Của Nó Với Sự Nghiên Cứu Thiên Nhiên
(Essai sur les fondements de la psychologie,
et sur ses rapports avec l'étude de la nature, 1812)


[1] Maine de Biran (tên đầy đủ: Marie François Pierre Gontier de Biran, 1766-1824): nhà toán học, triết gia Pháp, người báo trước môn tâm lý học. Tác phẩm: Essai sur les fondements de la psychologie et sur ses rapports avec l'étude de la nature (1812), Exposition de la doctrine philosophique de Leibnitz (1819), Nouvelles considérations sur les rapports du physique et du moral de L'Homme (1834), Œuvres philosophiques de Maine de Biran (4 q., 1841).

[2] Đối với Maine de Biran, chính nỗ lực vận động tự nguyện đã biểu lộ  cái tôi, trong sự đối lập với cái không phải là tôi (non-moi), cho chính chủ thể.

[3] Logos, từ Hy Lạp, chỉ vừa lời nói, vừa lý trí, vừa nguyên lý tối cao điều hành vũ trụ ở một số tác giả. Trong thần học Ki-tô giáo, Ngôi Lời.

[4] Trong bản gốc: conscium, compos sui.

[5] Trong bản gốc:  je sens, je juge, je veux.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa