KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT (L. DE BROGLIE, 1947)
Đưa lên mạng ngày 15-01-2021
Từ khoá : Khoa học và Kỹ thuật ; De Broglie, Louis – Trích đoạn
C1

KHOA HỌC THUẦN TÚY

TIẾN BỘ KỸ THUẬT
(1947)

Tác giả: Louis de Broglie[1] 
Người dịch
: Nguyễn Văn Khoa

*

Khoa học và kỹ thuật là hai thực thể không thể tách rời trong sinh hoạt hiện đại của con người. Và dù có vẻ như kỹ thuật còn là đầu nguồn của khoa học trong đời sống – theo nghĩa rằng, chủ yếu vì muốn cải thiện cuộc sống của mình mà con người bắt đầu tìm hiểu thế giới chung quanh – chính khoa học vô vị lợi mới nắm thế ưu tiên lô-gic, trong chừng mức là ngược lại, chỉ khoa học thuần túy mới có thể cung cấp những tri thức hữu dụng cho sự chế tác loại công cụ kỹ thuật cần thiết. Hơn thế nữa, như lịch sử khoa học từng cho thấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau, khi nào con người còn bận tâm với những lợi ích thực tiễn trước mắt, thì khoa học dễ bị đình trệ. G. Bachelard* cho rằng, trong quan điểm lý luận khoa học, kỹ thuật có thể là một «chướng ngại» cho khoa học; nói cách khác, khoa học bắt đầu khi kỹ thuật thất bại[2]

* 

Xin quý vị[3] hãy nhớ rằng loại công trình nghiên cứu khoa học thuần túy là thứ suối nguồn màu mỡ từ đấy những ứng dụng thực tiễn luôn luôn chảy ra nhanh chóng, và bất kỳ quan niệm nào mà kết quả là khiến chúng ta lạnh nhạt với loại nghiên cứu bất vụ lợi, đồng thời chỉ độc chăm lo những công trình có lợi ích kỹ thuật hiển nhiên trước mắt, thì sớm muộn gì chúng cũng sẽ đánh mất ưu thế đang có và sẽ gây tổn hại – nghĩa là làm cho đời sống công nghiệp của đất nước trở nên cằn cỗi. Do đó, tôi tin sẽ không thể nào đáp ứng chờ đợi của quý vị tốt hơn, khi quý vị ghi tên tôi vào danh sách những người nhận giải thưởng2, là nêu lên một vài ví dụ qua đó chúng ta thấy, trong lịch sử của nền văn minh, những tiến bộ của khoa học và công nghiệp đã luôn kết hợp chặt chẽ với nhau tới mức nào.

Để chứng minh điều này, chúng ta có thể lùi lại rất xa trong quá khứ, và nhớ lại rằng những nỗ lực của con người nhằm tìm hiểu rõ hơn các quy luật của Tự Nhiên đã luôn được hoạch định theo hai hướng khác nhau, nhưng không thể tách rời. Một mặt, con người khao khát được hiểu và biết; nhìn từ tột đỉnh của những sinh hoạt mà sự sống biểu thị trên bề mặt hành tinh của chúng ta, trí tuệ của hắn cảm thấy hài lòng một cách mãnh liệt trong nỗ lực giải quyết các vấn đề mà những hiện tượng vật lý phơi bày trong hoạt cảnh trước mắt hắn, và thấu triệt được tính hài hòa cũng như ý nghĩa sâu sắc của nó: xu hướng này là một trong những đỉnh cao nhất nơi con người, và các cuộc chinh phục từng được thực hiện trong lĩnh vực này thực sự là những chiến thắng của trí tuệ. Mặt khác, những nhu cầu thiết yếu của sự tồn tại cũng thúc bách con người, không cho phép hắn cống hiến hết sức cho những công trình nghiên cứu tư biện: hắn phải phấn đấu để cải thiện cuộc sống của mình, và bảo vệ nó trước những nguy hiểm không ngừng đe dọa.  Do đó, con người bị đẩy tới chỗ phải sử dụng những tri thức về các quy luật của tự nhiên và những hiện tượng vật lý sao cho chúng có thể phục vụ tốt nhất lợi ích của hắn – và đấy chính là quan điểm của khoa học ứng dụng, công nghiệp và kỹ thuật. Thế nhưng con người chỉ có thể sử dụng những tri thức của mình sau khi đã thu đạt được chúng, và đây là điều đã mang lại cho loại  nghiên cứu khoa học thuần túy một thế ưu tiên nhất định so với loại nghiên cứu nhằm mục đích thực tiễn, bởi vì cuối cùng, mặc dù hai loại nghiên cứu này thường được liên kết một cách không thể tách rời, chỉ loại trước mới có thể cung cấp cho loại sau những yếu tố mà nó cần. 

Louis de Broglie,
Các Nhà Bác Học Và Những Khám Phá
(Savants et découvertes,
Albin Michel, 1951, tr. 340-341).


[1] Louis Victor Pierre Raymond De Broglie (1892-1987): nhà vật lý và toán học người Pháp, đoạt giải Nobel về vật lý học năm 1929. Tác phẩm chính: Recherches sur la théorie des quanta (thèse, 1924); Ondes et mouvements (1926); La Mécanique ondulatoire (1928); Matière et lumière (1937); La Physique nouvelle et les quanta (1937); Continu et discontinu en physique moderne (1941); Ondes, corpuscules, mécanique ondulatoire (1945); Physique et microphysique (1947); Optique électronique et corpusculaire (1950); Savants et découvertes (1951); Une tentative d'interprétation causale et non linéaire de la mécanique ondulatoire (1956); Nouvelles perspectives en microphysique (1956); Sur les sentiers de la science (1960); Étude critique des bases de l'interprétation actuelle de la mécanique ondulatoire (1963); Certitudes et incertitudes de la science (1966); Recherches d'un demi-siècle (1976); Les Incertitudes d'Heisenberg et l'interprétation probabiliste de la mécanique ondulatoire (1982). NVK.

[2] Xem thêm tại các trang mục riêng của mỗi khoa học, khi có thể tham khảo.

Ví dụ, trên trang mục HÓA HỌC:  John Herschel, Khoa Học Bắt Đầu Từ Thất Bại Kỹ Thuật. NVK

[3] Trích đoạn này được rút ra từ diễn từ mà tác giả đã đọc ngày 6-11-1947 tại Hiệp Hội Khuyến Khích Nền Công nghiệp Quốc Gia (Société d'encouragement pour l'industrie nationale) khi ông nhận một giải thưởng của Hiệp Hội.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa