TRỪU TƯỢNG HÓA TRONG KỸ THUẬT (P. VALÉRY, 1921)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Từ khóa: Trừu tượng hóa ; Valéry, Paul – Trích đoạn
C1

TRỪU TƯỢNG HÓA
TRONG KỸ THUẬT
(1921)

 Tác giả : Paul Valéry[1]
 Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Hành động của con người khi xây dựng hay chế tạo một vật gì đó không quan tâm đến «tất cả» mà chỉ tới một vài phẩm chất của vật thể họ đang biến đổi. Cái là đủ cho mục đích của ta, đấy mới là điều quan trọng đối với chúng ta. Cái là đủ đối vói nhà hùng biện là hiệu lực của ngôn từ; cái là đủ đối với nhà lô-gic học là các quan hệ lô-gic và hệ quả của chúng. Người này bỏ qua sự nghiêm ngặt, người kia thứ hoa văn, trang trí. Trong trình tự vật chất cũng vậy: một bánh xe, một cánh cửa, một cái thùng, đều đòi hỏi sự vững chắc, một trọng lượng, những dễ dàng khi điều chỉnh hay sử dụng; và nếu gỗ cây dẻ, hay cây du, hay cây sồi đều thích hợp hay suýt soát như nhau, thì người đóng xe hay thợ mộc sẽ sử dụng chúng hầu như không phân biệt, chỉ nhìn vào chi phí... Nhưng bạn đâu thấy cây chanh sinh ra quả táo trong tự nhiên, mặc dù có thể là năm đó, chỉ trồng rặt chanh sẽ ít tốn kém hơn.

Con người [...] chế tác thông qua sự trừu tượng hóa: hắn bỏ qua và quên đi phần lớn những phẩm chất của cái thứ đang sử dụng, chỉ tập trung trên các điều kiện rõ ràng và tách biệt, thường có thể được thỏa mãn cùng một lúc, không phải bởi một mà nhiều loại vật chất. Chẳng hạn, hắn uống sữa, rượu, nước, hoặc bia, trong cốc bằng vàng, thủy tinh, sừng, hay mã não… một cách không phân biệt, và cho dù nó là to hay dài, hình chiếc lá, bông hoa, hoặc chân xoắn kỳ lạ, hắn hầu như không lưu ý tới bất ký cái gì khác, ngoài việc uống…

Con người không cần tất cả tự nhiên, mà chỉ một phần của nó. Triết gia là kẻ có tư tưởng khoảng khoát hơn, và thấy cần mọi thứ. Nhưng con người chỉ muốn sống, hắn không cần chất sắt hay đồng «tự thân», mà chỉ cần nó có một độ cứng hay độ dẻo nào đó. Hắn buộc phải lấy nó ở nơi nào có, từ một kim loại cũng có các phẩm chất không cần quan tâm khác chẳng hạn... Hắn chỉ nhìn vào mục đích của mình. Nếu muốn đóng một cái đinh, hắn đập nó bằng cọc hay búa, bằng sắt, đồng, hay thậm chí bằng gỗ cứng; và đẩy nó sâu vào bằng những cú đập nhỏ, hay một cú táng mạnh tay hơn, hoặc đôi khi bằng sức ép, quan trọng gì đối với hắn? Kết quả là như nhau, cái đinh đã cắm sâu vào. Nhưng nếu chúng ta không quan tâm tới chuỗi thao tác định hướng trên mà muốn xem xét mọi tình huống, thì những động tác hiện ra hoàn toàn khác, và các hiện tượng là không thể so sánh với nhau được.

Paul Valéry,
Eupalinos[2] hay Kiến Trúc Sư,
(Eupalinos ou l’Architecte (1921)[3].
tr. 171-176.


[1] Paul Valéry (1871-1945): nhà thơ, nhà văn, triết gia người Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Paradoxe sur l’architecte (1891); Introduction à la méthode de Léonard de Vinci (1895); La Jeune Parque (1917); La Crise de l’esprit (1919); Le Cimetière marin (1920); Album de vers anciens (1920); Eupalinos ou l'Architecte (1921); Charmes (1922); L'Âme et la danse (1923); Variété I-V (1924, 1930, 1936, 1938, 1944); Propos sur l'intelligence (1925); Regards sur le monde actuel (1931); Pièces sur l'art (1931); Notion générale de l’art (1935); Degas, danse, dessin (1936); Philosophie de la danse (1939); Mauvaises pensées et autres (1942); Tel quel (1941, 1943);  Mon Faust (1946); L'Ange (1947); Vues (1948); Histoires brisées (1950); Œuvres I-II (1957); Cahiers I-III (1973, 1974, 1987); Poésies (2016).

[2] Eupalinos xứ Mégare (?- ?): nhà khoa học và kỹ sư Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng nhờ đã xây một đường hầm trên đảo Samoa (gọi là đường hầm hay hầm dẫn Eupalinos, 1036m - dài nhất thời cổ đại, dẫn nước vào thành phố từ một nguồn nằm trên ngọn núi cao khoảng 274m phía Bắc thượng thành). Được xây vào khoảng 550 đến 530 tCn, đây là đường hầm thứ hai trong lịch sử được khởi công từ hai đầu cùng một lúc, và là cái thứ nhất đã được xây dựng có phương pháp, được đánh giá là một kỳ công kỹ thuật cổ đại.

[3] Tác phẩm về một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Sôkratês với Phaidra ở thế giới bên kia, trên những khái niệm của Platôn như mimesis, hiện thực, hiệu lực của văn học.   

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa