SỰ SỐNG (J. LOCKE, 1689 ; C. BERNARD, 1878)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Từ khóa : Sự sống (Khái niệm) ; Lock, John – Trích đoạn ;
Bernard, Claude – Trích đoạn

C1

 SỰ SỐNG

*

Trái với nhóm tác giả nỗ lực định nghĩa «sự sống» như đối tượng của  khoa sinh học[1], cũng có những nhà khoa học và triết gia từ chối xem một  định nghĩa chính xác về ý niệm này là không thể làm được hoặc vô ích. Dưới đây là hai trích đoạn biểu đạt khuynh hướng trên.

Dù sao, trong khi vấn đề vẫn còn trong vòng tranh luận, ngày nay hầu như phần lớn các nhà sinh học đều đặt ưu tiên trên sự nghiên cứu những sinh thể, thay vì «sự sống», như đối tượng của khoa học này, với những thành tựu không thể bàn cãi.

*

(1689)

Tác giả : John Locke*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Không có thuật từ nào phổ biến hơn là sự sống, và sẽ có rất ít người không cảm thấy như thể bị xúc phạm, nếu họ bị ai đó hỏi về ý nghĩa của từ này. Tuy nhiên, nếu thật ra người ta vẫn có thể đặt câu hỏi: liệu 1) một cái cây đã thành hình trong hạt giống[2], 2) con gà trong quả trứng chưa ấp, 3) hoặc một con người không còn ý thức, khả năng cảm nhận, hay chuyển động… là có sự sống hay  không, thì thật dễ dàng thấy rằng một ý tưởng rõ rệt, tách biệt và xác định không phải lúc nào cũng đi kèm với sự sử dụng một từ mà ai cũng biết như sự sống.

John Locke,
Tiểu Luận Về Sự Hiểu Biết Của Con Người,
 (An Essay Concerning Human Understanding,
1689-1690, III, X, 22)

(1878)

Tác giả : Claude Bernard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Phương pháp nhằm xác định và suy diễn mọi thứ từ một định nghĩa có thể là phù hợp với các khoa học về tinh thần, nhưng nó lại trái ngược với chính tinh thần của các khoa học thực nghiệm.

Vì vậy, ta không có lý do gì để định nghĩa sự sống trong sinh lý học. Khi nói về sự sống, chúng ta thừa hiểu ý nhau, và sự kiện không gặp khó khăn nào cả là đủ để biện minh cho việc dùng thuật từ này một cách không mơ hồ.

Để sử dụng nó, ta chỉ cần nhất trí về từ sự sống; nhưng trên hết, chúng ta phải biết rằng việc tìm kiếm một định nghĩa tuyệt đối là viển vông và hão huyền, đi ngược lại với chính tinh thần khoa học. Chúng ta chỉ cần quan tâm đến việc xác định những đặc trưng của nó, bằng cách sắp xếp chúng theo thứ tự phụ thuộc vào nhau trong tự nhiên.  

Ngày nay, điều quan trọng là chúng ta phải tách khoa sinh lý học tổng quát ra khỏi những ảo tưởng đã khuấy động nó suốt một thời gian dài. Đây là một khoa học thực nghiệm, và nó không bắt buộc phải đưa ra những định nghĩa tiên thiên.

Claude Bernard,
Bài Học Về Các Hiện Tượng Sự Sống
Chung Cho Động Và Thực Vật
(Leçons sur les phénomènes de la vie
communs aux animaux et aux végétaux - 1878,
Paris, Vrin, 1966, tr. 24-25).


[1] Xem các trích đoạn liên quan trên trang mục này khi có thể tham khảo.

[2] Quy chiếu về «Thuyết Tiền Tạo» theo đó, một sinh vật đã tồn tại, thành hình nhưng thu nhỏ, ngay từ trong mầm.  

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa