THẾ NÀO LÀ KHOA HỌC THỰC CHỨNG? (A. A. COURNOT, 1872)

LM: 15-12-2023
Từ khoá : Thực chứng (Khái niệm) ;
Cournot (Antoine-Augustin) – Trích đoạn

C1

THẾ NÀO LÀ KHOA HỌC THỰC CHỨNG?
(1872)

Tác giả: Antoine-Augustin Cournot*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Bằng việc khám phá ra các đại dương mới và các vùng đất mới, những nhà hàng hải vĩ đại vào cuối thế kỷ 15, và những người kế tục họ cũng đã khám phá ra các bầu trời mới, những chòm sao mới, mà danh pháp tầm thường cho thấy sự tương phản kỳ lạ với thứ tên gọi còn lưu truyền những huyền thoại Hy Lạp cổ xưa trong ký ức. Nếu chỉ nói ở đây về những khám phá địa lý thôi, thì cũng rõ ràng là chẳng giống như những khám phá của các thế kỷ trước, chúng không bị giới hạn vào việc mở rộng tri ​​thức hoặc tăng gia chất liệu cho môn địa lý, mà còn biến đổi nó về hình thức hoặc cấu trúc khoa học. Tranh luận giữa các triết gia và các nhà thần học về các đối cực là một cái gì đó hoàn toàn khác với sự kiện những thuyền trưởng và thủy thủ dũng cảm chiếm giữ một vài hòn đảo nhỏ nằm tận các cực địa cầu, nhân danh Đức Vua Tây Ban Nha[1]. Kết luận từ việc quan sát nguyệt thực rằng Trái Đất có hình tròn[2] là sử dụng một lập luận có giá trị đối với các nhà hình học, nhưng nó không loại trừ việc đi vòng quanh thế giới để biết chắc chắn hơn, hay chắc chắn một cách khác. Bằng chứng về sự kiện, sự xác nhận thực nghiệm, đấy là điều mang lại cho mọi ngành khoa học tự nhiên, và thậm chí cho cả hình học, nét đặc trưng của khoa học thực chứng, cái đặt chúng ở trên hay bên ngoài bất kỳ một cuộc tranh cãi, một bài biện hộ, một trò hùng biện nào. Khoa địa lý học hoặc vũ trụ học chỉ có được sự xác nhận thực nghiệm hoặc thực chứng trong thế kỷ 16. Magellan[3] đã làm việc cho cả nhân loại chứ không chỉ cho Vua Philip II[4]. Trước ông, Trái Đất chỉ là nơi ở của con người: nhờ việc đi vòng quanh nó của ông, và sau đó là rất nhiều chuyến đi khác nữa, con người đã chiếm hữu quả địa cầu một cách đầy hiệu lực, và tính mới lạ của ý tưởng là lời đáp trả tính mới lạ này của sự kiện.

Antoine-Augustin Cournot,
Cân Nhắc Về Bước Tiến Của Những Ý Tưởng
Và Biến Cố Trong Thời Hiện Đại
(Considérations sur la marche des idées
et des événements dans les temps modernes,
Paris, Hachette, 1872).


[1]  Sa Majesté Catholique, Très Fidèle là các tên chỉ Vua Tây Ban Nha đương thời.

[2]  Xem thêm các bài về Thiên văn học trên trang mục Vật Lý & Hoá Học.

[3] Fernão de Magalhães, Fernando de Magallanes, Ferdinand (de) Magellan (1480-1521): nhà thám hiểm và nhà hàng hải gốc Bồ Đào Nha, sau phục vụ triều đình Tây Ban Nha. Do Vua Manuel I từ chối hỗ trợ kế hoạch khai phá tuyến thương mại đường biển tới «Quần đảo Gia vị» (Spice Islands, nay là Maluku ở Indonesia) và Ấn Độ, bằng cách đi về hướng Tây quanh Mỹ châu, ông đề nghị kế hoạch này cho Vua Tây Ban Nha Carlos I, và nhận được tài trợ. Khởi hành từ Sevilla năm 1519, Magellan phát hiện ra một hành lang (sau được đặt tên là eo biển Magellan) nối Đại Tây Dương với các biển phía nam (Mares del Sur) mà ông đặt tên lại là Thái Bình Dương (Mar Pacifico = Pacific Ocean), tới Guam, rồi Phi Luật Tân. Tại đây, do bị dính vào những tranh chấp giữa các tù trưởng bản địa, ông bị giết trong một trận chiến năm 1521.

[4] Felipe II (1527-1598), cũng gọi Felipe Cẩn Trọng (Felipe el Prudente), là Vua Tây Ban Nha. Có thể xem thêm về nhân vật này bằng tiếng Việt trên Bách Khoa Wikipedia.

 

 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa